close-search

Bình Dương: Phát triển môi trường đầu tư bền vững, nâng cao “sức đề kháng” cho nền kinh tế

Đã đăng vào 16 Tháng 04, 2024

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Kinh tế Horasis Trung Quốc 2024 đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, ngày 15-4 phiên đối thoại đặc biệt với chủ đề “Bình Dương: Hệ sinh thái đổi mới Sáng tạo – Bền vững – Tư Duy mở” đã được diễn ra. Với mục tiêu thúc đẩy chia sẻ về những cơ hội và thách thức trong việc phát triển một môi trường đầu tư mạnh mẽ và bền vững ở Bình Dương.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương và ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC chủ trì phiên đối thoại

Chủ trì phiên đối thoại có ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương và ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cùng dự có lãnh đạo các Sở, Ban ngành, huyện thị tỉnh Bình Dương, đại diện lãnh đạo các tỉnh thành bạn, các tổ chức, hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước, các thành viên trong Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm, đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Becamex IDC.

Chủ động phát triển môi trường đầu tư xanh

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã chuyển dịch hiệu quả mô hình phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp – đô thị – dịch vụ với 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động đã chứng minh được sự thành công của chủ trương “trải chiếu hoa đón nhà đầu tư” cùng sự quyết đoán, đồng hành với doanh nghiệp của tỉnh nhà. Bình Dương liên tục thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và sự tăng trưởng nhanh với chất lượng cao của hầu hết các ngành kinh tế đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh.

Trong tình hình đó, công tác tạo lập môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư luôn được tỉnh Bình Dương quan tâm chú trọng. Tính đến nay, Bình Dương hiện đứng thứ 3 cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 4.266 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 40,6 tỷ USD. Số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn hiện nay khoảng hơn 67.610 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký thành lập khoảng 743,5 tỷ đồng.

Đặc biệt trong đó, việc phát triển bền vững về môi trường đầu tư là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc kết hợp chặt chẽ, hài hòa và hợp lý giữa các yếu tố kinh tế – xã hội – môi trường, mở ra một góc nhìn mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo không gây hại cho hệ sinh thái tự nhiên và phòng ngừa, nâng cao “sức đề kháng” của nền kinh tế của tỉnh, đặc biệt là những tỉnh lấy công nghiệp làm động lực chính để phát triển và có độ mở nền kinh tế lớn như Bình Dương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng phát biểu tại phiên đối thoại

Trong bài phát biểu tại phiên đối thoại đặc biệt với chủ đề “Bình Dương: Hệ sinh thái đổi mới Sáng tạo – Bền vững – Tư Duy mở”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã có những chia sẻ trong việc thực hiện các chủ trương để chủ động phát triển môi trường đầu tư. Ông cho biết, tỉnh Bình Dương luôn kiên định với quan điểm “xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền tỉnh, xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, qua đó thường xuyên quan tâm, có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời. Nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh sản xuất, phát triển môi trường đầu tư xanh hướng đến nền kinh tế bền vững, tỉnh Bình Dương đề ra 4 nguyên tắc cơ bản trong các hoạt động chỉ đạo điều hành như:

Phiên đối thoại đặc biệt thu hút đông đảo doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước tham dự

Nguyên tắc tương quan: Sự liên kết giữa kinh tế – xã hội – môi trường có tác động chặt chẽ với nhau, do đó để cải thiện môi trường đầu tư bền vững, tỉnh cần những chính sách và biện pháp tác động đến cả 3 trụ cột phát triển này.

Nguyên tắc chủ động: Thường xuyên dự báo tình hình phát triển nền kinh tế trong và ngoài nước từ đó chủ động trong việc giải quyết các vấn đề liên quan ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Có kế hoạch, lộ trình cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR-Index thuộc top đầu cả nước. Chú trọng đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội, lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư”, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Dương trong vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nguyên tắc chịu trách nhiệm: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ thực thi nhiệm vụ trong việc thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư xanh, sạch, hiện đại, hướng tới phát triển bền vững. Kiên quyết xử lý sai phạm trong hoạt động quản lý hành chính góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thân thiện.

Nguyên tắc cân bằng: Cần đặt ra mục tiêu và tầm nhìn trong dài hạn từ đó đề ra nhiều giai đoạn chuyển đổi môi trường đầu tư, xu hướng thu hút đầu tư và các ngành nghề thu hút đầu tư trọng tâm của tỉnh để phát triển cân bằng hài hòa giữa các lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Trên định hướng đó, tỉnh cần tập trung cơ cấu lại một số ngành công nghiệp gia công lắp ráp và thâm dụng lao động, có chính sách chuyển đổi công năng và di với đối mới một số doanh nghiệp chưa đáp ứng được bộ tiêu chí di dời doanh nghiệp từ phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc.

Định hướng rõ ràng phát huy tiềm năng và sức mạnh nội tại

Trong bối cảnh và tình hình thế giới như hiện nay, vùng Đông Nam bộ vẫn là khu vực vô cùng năng động trong việc thu hút được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành nghề như: Công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản, du lịch… Nhằm giúp tỉnh Bình Dương phát huy được tiềm năng và lợi thế trong vùng Đông Nam bộ, tỉnh cần tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, có lợi thế so sánh cao với các tỉnh lân cận, phát huy được tiềm năng và nguồn lực nội tại trong những năm tiếp theo và giai đoạn tới. Trong đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương nêu rõ định hướng mà tỉnh Bình Dương đề ra để tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển gắn với 4 động lực tăng trưởng nền kinh tế như:

Các thành viên trong Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm, đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Becamex IDC tham dự phiên đối thoại

Phát huy tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, đẩy mạnh liên kết vùng, trong đó chú trọng trong hợp tác, phát triển với các tỉnh trong Vùng, đặc biệt là các địa phương giáp ranh trong vùng như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước. Tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động huy động tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển hạ tầng kinh tế, văn hóa – xã hội, công nghệ thông tin, đô thị. Trọng tâm là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành… kết nối các địa phương trong Vùng ra sân bay (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cảng biển (Cái Mép – Thị Vải); phát triển ga Sóng Thần (Dĩ An) thành trung tâm vận chuyển hàng hóa trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ, từ đó hàng hóa bằng đường sắt từ Bình Dương sẽ kết nối với Trung Quốc và các nước trong khu vực và quốc tế.

Tại phiên đối thoại bà Trần Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Phòng Tiếp thị Tổng Công ty Becamex IDC đã chia sẻ về các cơ hội đầu tư tại Bình Dương

Cùng với đó, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển mô hình công nghiệp – đô thị – dịch vụ mới. Thực hiện chủ trương đổi mới, mở cửa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, tỉnh đang lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, đặc biệt tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp gắn với đô thị – dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắc khe của các nhà đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện chiến lược phát triển Thành phố thông minh và Vùng đổi mới sáng tạo. Trong đó, định hướng phát triển trọng tâm là các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu công nghiệp 4.0, điều hành thông minh và phát triển bền vững. Thành phố thông minh Bình Dương được vận hành theo 2 cơ chế gồm mô hình 3 nhà (chính quyền – doanh nghiệp – các viện, trường) và cơ chế linh hoạt, năng động trong công tác chỉ đạo điều hành, 4 lĩnh vực cụ thể là con người, công nghệ, doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng Tổng Công ty Becamex IDC chia sẻ về “Quy hoạch Bình Dương hướng đến tương lai” trong phiên đối thoại

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng giao thông tạo động lực thu hút đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế chung của tỉnh. Được biết, trong giai đoạn mới, tỉnh tập trung xây dựng trung tâm logistics xuyên biên giới (thành phố Mới Bình Dương) kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, xác định ga Sóng Thần là trung tâm trung chuyển hàng hóa liên vận quốc tế của cả miền Nam (vận chuyển đường sắt), kết nối với các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) – Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thông thương với các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.

Không chỉ vậy, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng và mang tính chiến lược nâng cao giá trị cốt lõi nền kinh tế. Tỉnh đã xây dựng tập trung Chương trình số 19-CTr/TU ngày 31/5/2021 về “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại” nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo dựng nền kinh tế phát triển đồng bộ với 3 trụ cột là kinh tế – xã hội – môi trường.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC phát biểu tại chương trình

Song song đó, tại phiên đối thoại các diễn giả, doanh nghiệp cũng đã có những trao đổi và chia sẽ các thông tin hữu ích trong việc xây dựng môi trường đầu tư bền vững. Từ đây, hứa hẹn sẽ đưa Bình Dương trở thành nơi có môi trường sản xuất kinh doanh ổn định, hoạt động đầu tư lành mạnh, công khai, minh bạch và phát triển bền vững trong tương lai.

Nguồn: kiemsat.vn